Lịch sử Wales

Tiền sử

Bryn Celli Ddu là một mộ tháp thuộc thời đồ đá mới muộn trên đảo Anglesey

Wales có người hiện đại cư trú từ ít nhất là 29.000 năm trước.[10] Con người cư trú liên tục từ khi thời kỳ băng hà cuối cùng kết thúc, khoảng 12.000 đến 10.000 năm trước, khi những người săn bắn hái lượm thuộc thời kỳ đồ đá giữa từ Trung Âu bắt đầu di cư đến đảo Anh. Khi đó, mực nước biển thấp hơn nhiều so với ngày nay, nên đảo Anh nối liền với lục địa châu Âu. Wales thoát khỏi băng hà vào khoảng 10.250 năm trước, khí hậu ấm lên khiến khu vực có cây cối rậm rạp. Mực nước biển dâng cao sau kỷ băng hà khiến Wales và Ireland tách biệt, tạo thành biển Ireland. Đến khoảng 8.000 năm trước, bán đảo Anh trở thành một đảo.[11][12]

Những người định cư thời kỳ đồ đá mới tích hợp với người bản địa, dần dần chuyển đổi phương thức sinh hoạt từ lối sống du cư săn bắn hái lượm thành các nông dân định cư vào khoảng 6.000 năm trước, trong cách mạng đồ đá mới.[13][14] Họ phát quang rừng để tạo đồng cỏ và đất canh tác, phát triển các kỹ thuật mới như sản xuất gốm và dệt vải, xây dựng các mộ đá như Pentre Ifan, Bryn Celli Ddu và ụ đá dài Parc Cwm từ khoảng 5.800  đến 5.500  năm trước.[15][16][17][18] Giống như các cư dân khác trên đảo Anh, trải qua nhiều thế kỷ cư dân sống tại lãnh thổ nay là Wales đồng hóa các di dân và trao đổi các ý tưởng của văn hóa Celt thời kỳ đồ đồng và đồ sắt. Theo một số học giả, Wales vào thời kỳ đồ đồng muộn là bộ phận của một văn hóa mạng lưới mậu dịch hàng hải bao gồm cả các quốc gia Celt khác, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, là những nơi ngôn ngữ Celt phát triển.[19][20][21][22] Quan điểm này trái ngược với quan điểm rằng các ngôn ngữ Celt có nguồn gốc xa hơn về phía đông và đi cùng văn hóa Hallstatt.[23] Đến khi người La Mã chinh phục đảo Anh, khu vực nay là Wales đã bị phân chia giữa các bộ lạc Deceangli, Ordovices, Cornovii, Demetae và Silures trong nhiều thế kỷ.[13]

Thời kỳ La Mã

Người La Mã bắt đầu chinh phục Wales vào năm 48 và mất 30 năm để hoàn thành, họ cai trị Wales trong hơn 300 năm. Người La Mã cai trị Wales theo hình thức chiếm đóng quân sự, ngoại trừ khu vực duyên hải phía nam của Nam Wales, phía đông bán đảo Gower, tại đó tồn tại di sản La Mã hóa.[24] Caerwent là đô thị duy nhất do người La Mã thành lập tại Wales, nó nằm tại miền đông nam Wales. Caerwent và Carmarthen cũng thuộc miền nam Wales trở thành các civitas của La Mã.[25] Wales giàu tài nguyên khoáng sản, người La Mã sử dụng kỹ thuật công trình của họ để khai thác lượng lớn vàng, đồng và chì, cũng như lượng vừa phải một số kim loại khác như thiếc và bạc.[26] Phát triển kinh tế thời La Mã tập trung tại miền đông nam của đảo Anh, và không có các ngành công nghiệp quan trọng nằm tại Wales.[26] Mặc dù tiếng La tinh là ngôn ngữ chính thức tại Wales, song dân chúng có xu hướng tiếp tục nói tiếng Brython. Dù quá trình La Mã hóa còn xa mới hoàn thành, song tầng lớp thượng lưu tại Wales bắt đầu tự nhận là người La Mã, đặc biệt là sau khi một chiếu chỉ vào năm 212 cấp quyền công dân La Mã cho toàn bộ nam giới tự do trong đế quốc.[27] La Mã đạt được ảnh hưởng sâu hơn thông qua truyền bá Cơ Đốc giáo, tôn giáo này thu hút nhiều tín đồ từ khi nó được phép thờ phụng tự do; ngừng bị bức hại theo chiếu chỉ của Hoàng đế Constantinus vào năm 313.[27]

Các sử gia thời kỳ đầu, trong đó có giáo sĩ thế kỷ VI Gildas, ghi rằng 383 là một mốc quan trọng trong lịch sử Wales,[28] do đó là năm bắt đầu một vài triều đại trung cổ. Trong năm này, Tướng quân Magnus Maximus của La Mã kiểm soát được toàn bộ binh sĩ và quan lại cao cấp tại miền tây và miền bắc đảo Anh, nhằm phát động tranh chấp quyền lực đế quốc và kết quả là thành công; ông tiếp tục cai trị đảo Anh từ Gaul trong thân phận hoàng đế.[29][30] Gildas viết vào khoảng năm 540 rằng Maximus đem toàn bộ binh sĩ và quan lại rời đảo, đường hướng thực tiễn của ông là chuyển giao quyền lực địa phương cho tầng lớp thống trị địa phương. Các phả hệ sớm nhất của Wales thể hiện Maximus có vai trò là ông tổ sáng lập một vài triều đại, bao gồm triều đại các vương quốc Powys và Gwent.[31][32] Việc chuyển giao quyền lực này làm tăng niềm tin rằng ông là tổ tiên của dân tộc Wales.[28]

Thời kỳ hậu La Mã

Đảo Anh vào năm 500: Khu vực tô màu hồng trên bản đồ là nơi cư trú của người Briton Celt. Khu vực màu lam ở phía đông do các bộ lạc German kiểm soát, trong khi khu vực màu lục ở phía bắc là nơi cư trú của người Gael và người Pict.

Sau khi quyền cai trị của La Mã sụp đổ là giai đoạn 400 năm khó giải thích nhất trong lịch sử Wales.[27] Sau khi người La Mã rời khỏi đảo Anh vào năm 410, phần lớn vùng đất thấp của đảo Anh thuộc phía đông và đông nam bị nhiều dân tộc German xâm chiếm. Trước khi có các nghiên cứu quy mô rộng về phân bố phân nhóm đơn bội ADN nhiễm sắc thể Y R1b, một số người từng cho rằng người Briton bản địa bị những người xâm chiếm thay thế.[33] Quan niệm này bị loại bỏ trước chứng cứ rằng phần lớn dân chúng có nguồn gốc thời Hallstatt, song hầu như chắc chắn là nguồn gốc đồ đá mới muộn, hoặc đồ đá giữa sớm nhất cùng một phần nhỏ từ các khu vực khởi nguồn Anglo-Saxon.[34] Đến năm 500, vùng đất mà nay là Wales bị phân chia thành một số vương quốc nằm ngoài quyền cai trị của người Anglo-Saxon.[27] Các vương quốc Gwynedd, Powys, Dyfed và Seisyllwg, Morgannwg và Gwent xuất hiện với vị thế là các nhà nước kế thừa độc lập của người Wales.[27]

Powys để mất phần lớn khu vực mà nay là vùng West Midlands cho Mercia của người Anglo-Saxon vào thế kỷ VI và đầu thế kỷ VII, song họ hồi sinh vào cuối thế kỷ VII và giúp cản bước tiến của Mercia. Quốc vương Aethelbald của Mercia phòng thủ lãnh thổ mới giành được bằng cách xây dựng lũy Wat. Theo John Davies, nỗ lực này có thể được thực hiện theo thỏa thuận với Quốc vương Elisedd ap Gwylog của Powys.[35] Tuy nhiên, thuyết khác cho rằng lũy tồn tại từ 300 năm trước đó, thế lực xây dựng có thể là những người thống trị của Wroxeter thời hậu La Mã.[36] Quốc vương Offa của Mercia cho xây dựng một lũy lớn hơn mang tên là lũy Offa ([Clawdd Offa] lỗi: {{lang}}: văn bản có thẻ đánh dấu in xiên (trợ giúp)). Davies viết về nghiên cứu của Cyril Fox rằng kế hoạch có thương nghị ở mức độ với các quốc vương của Powys và Gwent.[35] Lũy Offa phần lớn vẫn là biên giới giữa Wales và Anh. Đến thế kỷ VIII, các biên giới phía đông với người Anglo-Saxon xác định được phần lớn.

Năm 853, người Viking tập kích đảo Anglesey, song đến năm 856 Rhodri Mawr đánh bại và giết thủ lĩnh của họ là Gorm.[37] Người Briton tại Wales sau đó lập hòa bình với người Viking và Anarawd ap Rhodri liên minh với người Norse nhằm chiếm đóng Northumbria để chinh phục miền bắc đảo.[38] Liên minh này sau đó tan vỡ và Anarawd đạt được một thỏa thuận với Quốc vương Alfred của Wessex, họ chiến đấu chống lại miền tây của Wales. Theo Annales Cambriae, vào năm 894, Anarawd đi cùng người Anglo tàn phá Ceredigion và Ystrad Tywi."[39]

Trung Cổ

Từ năm 800 trở đi, một loạt cuộc liên hôn giữa các triều đại dẫn đến việc Rhodri Mawr kế thừa Gwynedd và Powys. Các con ông lần lượt thành lập ba triều đại lớn (Aberffraw của Gwynedd, Dinefwr của Deheubarth và Mathrafal của Powys). Cháu nội của Rhodri là Hywel Dda (trị vì 900–50) hình thành Deheubarth từ các vương quốc Dyfed và Seisyllwg kế thừa từ bên ngoại và bên nội vào năm 930, rồi lật đổ triều đại Aberffraw khỏi Gwynedd và Powys và soạn thảo luật Wales trong thập niên 940.[40] Maredudd ab Owain (trị vì 986–99) của Deheubarth (cháu nội của Hywel) cũng lật đổ tạm thời dòng Aberffraw khỏi quyền kiểm soát Gwynedd và Powys.

Chắt ngoại của Maredudd là Gruffydd ap Llywelyn (trị vì 1039–63) chinh phục lãnh địa của họ hàng từ căn cứ tại Powys, và thậm chí còn bành trướng quyền thế sang Anh. Sử gia John Davies cho rằng Gruffydd là quốc vương người Wales duy nhất cai trị toàn bộ lãnh thổ Wales trong giai đoạn 1057-1063.[2] Owain Gwynedd (1100–70) thuộc dòng Aberffraw là quân chủ người Wales đầu tiên sử dụng hiệu là princeps Wallensium (thân vương của người Wales).[41]

Tượng của Owain Glyndŵr (k. 1354 hay 1359 – k. 1416) tại Tòa thị chính Cardiff.

Trong vòng bốn năm sau trận Hastings năm 1066, người Norman hoàn toàn chinh phục Anh.[2] William I của Anh lập ra hàng loạt lãnh địa quý tộc, phân bổ các chiến binh mạnh nhất của mình dọc biên giới với Wales.[42] Khu vực biên giới này và các lãnh địa quý tộc do người Anh nắm giữ tại Wales được gọi là Marchia Wallie (biên thùy Wales), tại đó các lãnh chúa biên thùy không phải tuân theo pháp luật Anh cũng như Wales.[43] Khu vực biên thùy biến đổi theo vận mệnh hưng suy của các lãnh chúa biên thùy và thân vương Wales.[44] Biên thùy Wales bị bãi bỏ theo Đạo luật Liên hiệp vào năm 1536.[45]

Cháu nội của Owain Gwynedd là Llywelyn Fawr (1173–1240) giành được nhượng bộ thông qua Magna Carta vào năm 1215 và nhận được cam kết trung thành từ các lãnh chúa người Wales khác vào năm 1216 trong hội đồng tại Aberdyfi, trở thành Thân vương Wales đầu tiên.[46] Cháu nội của ông là Llywelyn ap Gruffudd cũng được công nhận tước hiệu Thân vương Wales từ Henry III của Anh theo Hiệp định Montgomery vào năm 1267.[47] Tuy nhiên, sau đó có một loạt tranh chấp, cực điểm là cuộc xâm chiếm lần đầu của Quốc vương Edward I của Anh.[48] Do thất bại về quân sự, Llywelyn cam kết trung thành với Anh vào năm 1277.[48] Edward I lại tiến hành chinh phục Wales vào năm 1282, kết quả là quyền cai trị của các thân vương Wales kết thúc vĩnh viễn. Do Llywelyn mất còn em trai là Thân vương Dafydd bị hành quyết, vài lãnh chúa người Wales còn lại thần phục Edward I. Thủ cấp của Llywelyn bị đưa đến Luân Đôn, con gái ông là Gwenllian bị nhốt trong tu viện đến chết.[49]

Lâu đài Caernarfon là nơi sinh của Quốc vương Edward II của Anh

Nhằm giúp duy trì quyền thống trị, Edward I cho xây dựng một loạt thành lớn bằng đá: Beaumaris, CaernarfonConwy. Con trai ông là Quốc vương Edward II tương lai được sinh tại thành Caernarfon vào năm 1284.[50] Edward II là người Anh đầu tiên giữ tước Thân vương xứ Wales. Tước hiệu cũng đi kèm với lợi tức từ phần tây bắc của Wales mang tên Thân vương quốc Wales, và sau Đạo luật Liên hiệp năm 1536 thì thuật ngữ "thân vương quốc" khi được sử dụng sẽ có nghĩa là toàn bộ Wales.[51][52][53] Madog ap Llywelyn tiến hành khởi nghĩa vào năm 1294–95 song thất bại, cuộc khởi nghĩa lớn tiếp theo là của Owain Glyndŵr vào năm 1400–1415 nhằm chống lại Henry IV của Anh. Năm 1404, Owain được cho là đăng cơ làm Thân vương xứ Wales với sự hiện diện của các sứ giả của Pháp, Tây Ban Nha và Scotland.[54] Cuộc khởi nghĩa thất bại, và hòa bình được khôi phục về cơ bản tại Wales vào năm 1415. Dù Quy chế Rhuddlan vào năm 1284 tạo cơ sở hiến pháp cho chính phủ hậu chinh phục của thân vương quốc tại miền bắc của Wales từ năm 1284 cho đến năm 1536, song đến năm 1536 thì Wales và Anh mới chính thức liên hiệp.[52] Ngay sau đó, luật Wales bị luật Anh thay thế hoàn toàn, theo một quá trình được gọi là Đạo luật Liên hiệp.[55]

Thời kỳ công nghiệp

Dowlais Ironworks (1840) của George Childs (1798–1875)

Trước cách mạng công nghiệp tại Anh Quốc (cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX), tại Wales có dấu hiệu của công nghiệp quy mô nhỏ nằm rải rác.[56] Chúng bao gồm các ngành công nghiệp liên quan đến nông nghiệp như xay xát hoặc dệt len, cho đến khai mỏ và khai thác đá.[56] Đến trước cách mạng công nghiệp, Wales luôn dựa vào nông sản để tạo ra của cải và việc làm, và các ngành kinh doanh công nghiệp lúc ban đầu có quy mô nhỏ và mang tính địa phương.[56] Giai đoạn công nghiệp bắt đầu đầu xung quanh việc phát triển luyện đồng tại khu vực Swansea. Do được tiếp cận tài nguyên than đá địa phương, cùng một hải cảng giúp có thể tận dụng các mỏ đồng của Cornwall, cũng như khai thác tài nguyên đồng từ mỏ đồng lớn nhất thế giới khi đó tại núi Parys trên đảo Anglesey, nên Swansea phát triển thành một trung tâm lớn của thế giới về luyện kim màu trong thế kỷ XIX.[56] Ngành công nghiệp kim loại thứ nhì phát triển tại Wales là luyện sắt, và chế tạo sắt trở nên phổ biến tại cả miền bắc và miền nam.[57] Trong thập niên 1820, chỉ riêng miền nam Wales chiếm tới 40% số gang thỏi sản xuất tại Anh Quốc.[57]

Đến cuối thế kỷ XVIII, khai thác đá bảng bắt đầu phát triển nhanh chóng, đáng chú ý nhất là tại miền bắc Wales. Mỏ đá Penrhyn mở cửa vào năm 1770, và nó sử dụng 15.000 người vào cuối thế kỷ XIX,[58] nó cùng với mỏ đá Dinorwic chi phối ngành đá bảng của Wales. Mặc dù khai thác đá bảng được mô tả là ngành công nghiệp Wales có tính Wales nhất,[59] song khai thác than trở thành ngành công nghiệp duy nhất đồng nghĩa với Wales và người Wales. Ban đầu, các vỉa than được khai thác để cung cấp năng lượng cho ngành kim loại địa phương, tuy nhiên đến khi mở các hệ thống kênh và sau đó là mở đường sắt thì ngành khai thác than của Wales chứng kiến bùng nổ về nhu cầu. Vùng mỏ than Nam Wales chủ yếu nằm tại các thung lũng thượng du quanh Aberdare và sau này là Rhondda, khi vùng mỏ được khai thác thì các cảng Swansea, Cardiff và sau này là Penarth phát triển thành những nơi xuất khẩu than đá ra thế giới, đi cùng với đó là bùng nổ dân số. Đến khi đạt đỉnh vào năm 1913, Wales sản xuất gần 61 triệu tấn than đá. Miền bắc Wales cũng có một vùng than đáng kể tại phía đông bắc, đặc biệt là quanh Wrexham.[60] Do Wales dựa vào sản xuất hàng hóa tư bản hơn là hàng tiêu dùng, họ có một vài thợ thủ công và nghệ nhân lành nghề trong các xưởng tại Birmingham hay Sheffield tại Anh và có một vài nhà máy sản xuất thành phẩm - một đặc điểm quan trọng của hầu hết các khu vực có liên quan đến cách mạng công nghiệp.[57] Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ủng hộ rằng cách mạng công nghiệp dựa vào khai thác năng lượng và nguyên liệu do Wales cung cấp, theo hướng đó thì Wales có tầm quan trọng chính yếu.[57]

Thời kỳ hiện đại

Sử gia Kenneth Morgan mô tả Wales vào trước chiến tranh thế giới thứ nhất là "một quốc gia tương đối yên tĩnh, tự tin và thành công". Sản lượng từ các vùng mỏ than tiếp tục tăng lên, thung lũng Rhondda ghi nhận đỉnh cao là 9,6 triệu tấn than khai thác vào năm 1913.[61] Khi đại chiến bùng phát, Wales tham chiến với tư cách là bộ phận của Anh Quốc. Tổng cộng có 272.924 người Wales phục vụ trong chiến tranh, chiếm 21,5% số lượng nam giới.[62] Trong số đó, khoảng 35.000 người thiệt mạng.[62] Hai trận đánh nổi tiếng nhất mà lực lượng Wales tham gia là tại Somme thuộc Pháp và tại Passchendaele thuộc Bỉ.[63]

Một phần tư đầu của thế kỷ XX cũng chứng kiến một bước chuyển đổi về hoàn cảnh chính trị của Wales. Từ năm 1865, Đảng Tự do giữ thế đa số trong số đại biểu của Wales tại nghị viện, song sau tổng tuyển cử năm 1906 chỉ có một thành viên Tự do là đại biểu của Wales trong nghị viện tại Westminster.[64] Bất đồng về công nghiệp và đấu tranh chính trị bắt đầu làm xói mòn đồng thuận của Đảng Tự do tại các vùng mỏ than miền nam.[64] Năm 1916, David Lloyd George trở thành người dân tộc Wales đầu tiên trở thành thủ tướng của Anh Quốc, ông đứng đầu một chính phủ liên minh.[65] Trong tháng 12 năm 1918, Lloyd George tái cử làm người đứng đầu một chính phủ liên minh do Đảng Bảo thủ chi phối, và cách xử lý yếu kém của ông trong cuộc đình công của thợ mỏ than vào năm 1919 là một yếu tố quan trọng khiến sự ủng hộ cho Đảng Tự do tại miền nam Wales bị tiêu tan.[66] Các công nhân tại Wales bắt đầu chuyển hướng sang một tổ chức chính trị mới đảm bảo đại diện cho tầng lớp lao động, tổ chức này hiện nay mang tên là Công đảng.[67] Đến năm 1922, một nửa số ghế của Wales trong Quốc hội Anh thuộc về các chính trị gia Công đảng, khởi đầu thế bá chủ của Công đảng tại Wales và kéo dài sang thế kỷ XXI.[67]

Sau giai đoạn tăng trưởng vào hai thập niên đầu của thế kỷ XX, các ngành công nghiệp chủ lực của Wales phải chịu khủng hoảng kéo dài từ đầu thập niên 1920 cho đến cuối thập niên 1930, dẫn đến thất nghiệp và nghèo khó lan rộng tại các thung lũng miền nam Wales.[68] Lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, dân số Wales suy giảm, nạn thất nghiệp chỉ dịu đi khi có nhu cầu sản xuất từ chiến tranh thế giới thứ hai.[69] Trong đại chiến này, người Wales chiến đầu trên toàn bộ các mặt trận chính, và có khoảng 15.000 người thiệt mạng.[70] Không quân Đức oanh tạc gây thiệt hại lớn về nhân mạng khi họ nhắm mục tiêu là các bến tàu tại Swansea, Cardiff và Pembroke.[70] Sau năm 1943, 10% lính nghĩa vụ tuổi 18 tại Wales được đưa đến làm việc trong các mỏ than do thiếu lao động; họ được gọi là Bevin Boys.[70] Số lượng người theo chủ nghĩa hòa bình trong hai thế chiến là khá thấp, đặc biệt là thế chiến lần hai do được nhìn nhận là chiến đấu chống phát xít.[70] Trong số các chính đảng hoạt động tại Wales, chỉ có Plaid Cymru giữ lập trường trung lập với lý do rằng đó là một cuộc "chiến tranh đế quốc".[70]

Tình cảm dân tộc Wales được phục hưng trong thế kỷ XX. Plaid Cymru được thành lập vào năm 1925, họ tìm kiếm quyền tự trị lớn hơn hoặc độc lập từ Anh Quốc.[71] Thuật ngữ "Anh và Wales" trở nên thông dụng để miêu tả khu vực áp dụng luật Anh, và đến năm 1955 thì Cardiff được tuyên bố là thành phố thủ đô của Wales. Cymdeithas yr Iaith Gymraeg (Hội Ngôn ngữ Wales) được thành lập vào năm 1962 nhằm phản ứng trước các lo ngại từ lâu rằng ngôn ngữ bản địa có thể biến mất nhanh chóng.[72] Tình cảm dân tộc chủ nghĩa tăng lên sau khi thung lũng Tryweryn bị cho ngập vào năm 1965 để tạo một hồ chứa cung cấp nước cho thành phố Liverpool của Anh.[73] Mặc dù 35 trong số 36 nghị sĩ của Wales bỏ phiếu chống dự luật, song Quốc hội vẫn thông qua dự luật và làng Capel Celyn bị ngập, nêu bật sự bất lực của Wales trong các công việc của mình trước số lượng áp đảo các nghị viên của Anh trong Quốc hội.[74] Quân đội Wales Tự do và Mudiad Amddiffyn Cymru (Phong trào Phòng thủ Wales, viết tắt là MAC) được thành lập sau sự kiện này và họ tiến hành các chiến dịch từ năm 1963.[75] Trong những năm trước khi Hoàng tử Charles được phong làm Thân vương xứ Wales vào năm 1969, các nhóm này chịu trách nhiệm cho một số vụ đánh bom, phá hoại đường ống nước, cơ quan thuế và các văn phòng khác và một phần đập tại dự án hồ chứa Clywedog tại Montgomeryshire nhằm cung cấp nước cho khu vực Midlands của Anh.[76][77] Trong bầu cử bổ sung năm 1966, Plaid Cymru lần đầu có ghế trong Quốc hội Anh Quốc.[78] Đến năm sau, Đạo luật Wales và Berwick 1746 bị bãi bỏ, và định nghĩa pháp lý về Wales cùng biên giới Wales-Anh được công bố.[79]

Đến cuối thập niên 1960, chính sách khu vực về việc đưa doanh nghiệp đến các khu vực thiệt thòi của Wales thông qua khích lệ tài chính chứng tỏ rất thành công trong đa dạng hóa kinh tế công nghiệp.[80] Chính sách này bắt đầu vào năm 1934, được tăng cường bằng việc xây dựng các khu công nghiệp và cải thiện giao thông liên lạc,[80] đáng chú ý nhất là xa lộ M4 liên kết miền nam Wales thẳng tới Luân Đôn. Nó được cho là nền tảng của tăng trưởng kinh tế ổn định tại Wales trong giai đoạn này; song quan điểm này tỏ ra lạc quan quá mức sau suy thoái đầu thập niên 1980 khi phần lớn cơ sở sản xuất được xây dựng trong 40 năm trước đó bị suy sụp.[81]

Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1979, đa số lớn cử tri Wales không tán thành lập một hội nghị lập pháp cho Wales.[82] Tuy nhiên, trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1997, vấn đề này được tán thành song với chênh lệch mỏng manh.[82] Quốc hội Wales được thành lập vào năm 1999, có quyền lực được xác định cách thức chi tiêu và quản lý ngân sách chính phủ trung ương phân cho Wales, song Quốc hội Anh Quốc duy trì quyền áp đặt hạn chế đối với quyền lực của Quốc hội Wales.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Wales http://www12.statcan.ca/english/census06/data/high... http://www.afi.com/100Years/handv.aspx http://www.cardiff-cwl.airports-guides.com/cwl_cli... http://www.applewarrior.com/celticwell/ejournal/be... http://www.britainexpress.com/countryside/coast/ http://www.diversiton.com/religion/census/britain.... http://www.dylanthomas.com/index.cfm?articleid=106... http://www.glamorgancricket.com/detail-item.php?in... http://www.halcrow.com/Who-we-are/History/Clywedog... http://www.historic-uk.com/HistoryUK/Wales-History...